Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng

Biết người biết ta trăm trận trăm thắng

“BIẾT NGƯỜI BIẾT TA, TRĂM TRẬN TRĂM THẮNG”

Tôn Tử từng nói trong binh thư: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Điều này xem ra không dễ chút nào. Bởi lẽ, đây là triết lý sống rất cao sâu. Biết ta là chuyện khó thì chuyện biết người càng khó khăn hơn. Tôn Tử, Socrates và Aristotle có một điểm rất chung là rất khiêm tốn.

Có lẽ vì hiểu được đều ấy mà triết gia Socrates đã khuyên mọi người rằng: “Hãy biết mình!”.

Triết gia Hy Lạp cổ Aristotle đã nói: “Giá trị cuối cùng của cuộc sống nằm ở sự thức tỉnh và khả năng tư duy, chứ không phải chỉ ở chỗ sinh tồn”.

Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng

Mắt người có thể nhìn rõ bốn phương tám tám hướng, nhưng nếu không có tấm gương tự nhìn lại bản thân mình này, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy được lông mày của mình.

Có thể nói, ở đời ai cũng mong muốn mình chiến thắng trong mọi sự. Chiến thắng trên thương trường, trên chính trường, trong tình trường hay trong mọi lĩnh vực lớn nhỏ của đời sống con người. Chiến thắng có thể được hiểu và được đồng hoá với thành công. Hai chữ “thành công” trở thành mục tiêu và đích đến của hầu hết con người sống, đặc biệt là nơi những con người có đầu óc cầu tiến.

Có nhiều người sống gần hết cuộc đời của mình rồi mà vẫn không hề biết mình hay quá ảo tưởng về mình. Điều này nghe có vẻ phi lý, nhưng đó là thực tế.

Người không biết mình là đi tìm những cái mình không có, bỏ qua những cái mình đang có trong tay; coi “cái có” trở thành “cái là”; chỉ chú trọng đến hình thức mà quên mất nội dung bên trong, ghen tị với người khác khi thấy họ hơn mình. Người không biết mình luôn sống trong bất an, nghi kỵ đủ điều, có lối sống theo kiểu “thượng đội, hạ đạp”… Người “không biết mình” như thế có chiến thắng cũng thành chiến bại. Kẻ không biết mình đã tệ hại như thế thì kẻ ảo tưởng về mình còn tệ hại hơn thế nữa.

Nhiều khi chúng ta phàn nàn về thế giới này. Nhưng không phải là thế giới này có vấn đề, mà là chúng ta không tự soi lại bản thân mình.

Từng có người hỏi nhà thơ Tagore rằng: “Trên đời này điều gì là dễ nhất? Điều gì là khó nhất?”. Nhà thơ Tagore trả lời: “Điều dễ nhất là chỉ trích người khác, và khó nhất là tự nhận thức bản thân mình”.

Trên đời này không có người hoàn hảo, nhưng mỗi người đều có khả năng và cơ hội để sửa đổi mình. Người thực sự có trách nhiệm với bản thân thường thông qua kinh nghiệm mà nhận thức về bản thân mình, và trong phản tỉnh mà thành tựu chính mình. Mục đích của tự sửa đổi là để hình thành cho bản thân một nhân sinh quan vững vàng. Tự vấn giúp thay đổi nhân sinh quan và mọi thứ thay đổi thì nhân sinh quan cũng cần thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi nhân sinh quan hiểu theo nghĩa là gạn đục khơi trong, hướng về những giá trị phổ quát và trường tồn, về Chân Thiện Mỹ.

Đọc thêm  Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu, nước sâu tĩnh nặng người khôn kiệm lời

Nếu trong cuộc sống đã nói sai điều gì đó, thì lần sau cố gắng ăn nói có chừng mực hơn, đấy chính là sự tiến bộ. Nếu trong công việc mà mắc một việc sai lầm nào đó, thì tranh thủ lần sau tuyệt đối không mắc lỗi lần hai, đấy chính là trưởng thành.

Người biết cách phản tỉnh chính mình chính là người có năng lực làm mới chính mình. Khi những kinh nghiệm trong quá khứ được dung hợp vào sự từng trải trong cuộc sống, thì bạn sẽ trở thành một phiên bản tốt hơn.

Người sang tự biết mình, rồi sau tự phản tỉnh, và cuối cùng là tự ước thúc bản thân. Không biết nghiền ngẫm về bản thân và sửa đổi chính mình, thì cũng như những nắm bột chưa được nhào nặn. Đồng thời, cuộc sống mà không có tự xét mình thì sẽ chỉ giẫm chân tại chỗ, không cách nào tiến lên được.

Biết mình là nhận ra sự thật nơi mình, chấp nhận mình và hạnh phúc với những gì mình đang có. Biết mình là chấp nhận có những giới hạn và cần liên đới với người khác để làm cho cuộc sống thêm tốt đẹp hơn. Biết người là biết họ cũng có những giới hạn và có những độc đáo riêng của họ. Khi khám phá ra sự thật như thế, chúng ta sẽ sống bình an, vui tươi với mọi người và thấy được ý nghĩa đích thực của cuộc sống này.

Cần tránh hai thái độ mặc cảm là tự tôn hoặc tự ti khi đến với người khác. Đừng tỏ vẻ “ta đây” khi thấy mình trội vượt hơn người khác trong một vài khả năng nào đó, nhưng cũng đừng “cúi rạp mình” khi thấy có ai đó hơn mình trong một số lĩnh vực. Hãy nhìn ra sự thật này là: mọi người, ai cũng có những nét độc đáo riêng và không ai có thể thay thế chỗ của người khác được. Bởi vì tạo hóa đã tạo ra thì chẳng ai là phiên bản của ai cả!

Muốn chiến thắng thật sự thì không những phải biết mình mà còn phải biết người nữa, cho nên “Biết mình, biết người trăm trận trăm thắng!”.

Nguồn: (Sách Ý NHƯ VẠN SỰ – PHAN NGỌC DŨNG)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *